4 lưu ý khi xây nhà phố kết hợp kinh doanh bạn cần xem ngay

Như Ngô – homify Như Ngô – homify
homify Nhà phong cách công nghiệp
Loading admin actions …

Nhà phố thương mại là kiểu nhà dân kết hợp với các loại hình kinh doanh, buôn bán. Với lợi thế của nhà mặt tiền, đây chắc chắn là sự lựa chọn hàng đầu để các hộ gia đình có thêm thu nhập. Từ tiệm ăn, cửa hàng tạp hoá đến phòng khám, quầy thuốc… sự lựa chọn dường như là vô tận, miễn là loại hình kinh doanh đó phù hợp với gia đình và khả năng của bạn. Nhưng dù thoát khỏi được nỗi lo và gánh nặng mang tên ‘tiền thuê mặt bằng’, bạn vẫn phải đối mặt với những bài toán hóc búa khác để hiện thực hoá giấc mơ an cư lập nghiệp của mình.

Với mong muốn gỡ rối phần nào những thắc mắc còn tồn đọng khi xây nhà thương mại của bạn độc, hôm nay, chúng tôi xin mời các bạn đọc qua bài viết sau. Biết đâu được, bạn sẽ tìm thấy những gợi ý hữu ích cho riêng mình đấy!

1. Yếu tố an ninh.

Có thể bạn sẽ cảm thấy nhàm chán khi yếu tố an ninh cứ được nhai đi nhai lại mãi, nhưng quả thật, không gì quan trọng hơn sự an toàn của các thành viên trong gia đình, đúng không nào? Đặc biệt, nếu nhà bạn còn được dùng với mục đích buôn bán thì vô hình chung, nó lại càng thu hút sự chủ ý của kẻ gian! Bạn không thể đóng cửa im ỉm suốt ngày một khi đã chọn đi trên con đường kinh doanh, và nhiều người có thể lợi dụng điểm này để ra tay trộm cướp, chiếm đoạt tài sản.

Vì thế, hãy đặc biệt chú ý đến cửa chính khi xây nhà. Tốt nhất là bạn nên làm hai lớp cửa gồm cửa sắt và cửa kiếng. Nếu được, lắp thêm hệ thống camera quan sát cũng không phải là ý tồi. Đối với những mặt hàng kinh doanh có giá trị như vàng bạc, đá quý thì bạn càng cần phải cẩn thận, không chỉ cửa ngõ ở khu vực buôn bán mà còn cả trong không gian sinh hoạt của gia đình. Hoặc nếu mặt hàng bạn kinh doanh là chất dễ gây cháy nổ, hay bạn mở tiệm ăn tại nhà thì cần có những biện pháp phòng cháy chữa cháy phù hợp.

Hình bên là loại cửa sập có thể sử dụng cho các cửa tiệm bán đồ có giá trị cao như vàng bạc, đá quý, điện thoại di động… Tuy nhiên, nó cũng gây bất lợi trong trường hợp chẳng may có hoả hoạn.

Có kha khá nhiều cách để đảm bảo an ninh cho nhà bạn, hãy đảm bảo chúng ta áp dụng 7 Việc Phải Làm Để Trộm Không Dám Bén Mảng Đến Nhà Bạn và Phải Tránh Ngay 5 Thiết Kế Này Nếu Không Muốn Trộm Vào Nhà nhé!

2. Đặc điểm loại hình kinh doanh

Như đã nói ở trên, có vô vàn sự lựa chọn cho bạn thử nghiệm với nhà phố thương mại. Nếu nhà có diện tích lớn thì việc mở quán ăn, quán nước là hoàn toàn lý tưởng. Thậm chí, những căn nhà phố cỡ nhỏ vẫn có thể được biến thành tiệm tạp hoá nhỏ xinh, miễn sao chủ nhà biết cách sắp xếp đồ đạc hợp lý. Với chiều sâu đặc trưng của nhà ống, bạn có thể lợi dụng nó để phân chia không gian buôn bán và sinh hoạt gia đình sao cho hợp lí nhất. Nếu bạn vẫn tìm kiếm thiết kế cho mình, hãy thử xem qua  Thiết kế nhà ống mặt phố kết hợp kinh doanh tại Việt Nam hoặc nếu Bạn cần thiết kế shop kinh doanh, hãy xem ngay 14 thiết kế đắt khách này nhé!

Ngoài ra, một điều tối quan trọng nữa là bạn sẽ phải xin giấy phép kinh doanh dựa trên ngành nghề kinh doanh của mình. Nếu bạn là bác sĩ tư hoặc muốn mở tiệm thuốc Tây thì đương nhiên, bạn cần có giấy phép hành nghề bên cạnh giấy phép kinh doanh. Hãy cẩn thận với những vấn đề liên quan đến luật pháp để tránh những rắc rối không cần thiết, bạn nhé!

3. Sự riêng tư

Đây chắc chắn là một trong những yếu tố nên được suy xét cẩn thận trước khi xây nhà. Bạn không muốn việc kinh doanh ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của mình, đúng không nào? 

Đừng quên là ngoài khu vực buôn bán ra thì bạn cũng có thể phải “hy sinh” những không gian sinh hoạt gia đình như nhà bếp, nhà vệ sinh của mình. Do đó, hãy suy nghĩ đến việc xây riêng WC dành cho khách (đặc biệt là với tiệm ăn, quán nước). Thêm vào đó, các vật chắn như tường, cửa kiếng hay bình phong cũng có thể giúp bạn che chắn cho khu vực trong nhà. Một giải pháp khác là dành riêng một hoặc hai tầng lầu cho việc kinh doanh và đóng cửa rào cho cầu thang dẫn lên khu vực sinh hoạt gia đình. Bảng hướng dẫn cũng có thể được sử dụng để nhắc nhở cho khách biết về giới hạn riêng tư cũng như là những nơi không hoan nghênh người lạ đặt chân đến.

Hình bên là là không gian lý tưởng để kinh doanh buôn bán. Bức tường chắn ở cầu thang có thể che đi tầm nhìn, bảo đảm sự riêng tư.

4. Tính thẩm mỹ

Yếu tố cuối cùng mà bạn cần quan tâm chính là diện mạo căn nhà của mình. Hiển nhiên là bạn không nhất thiết phải trang hoàng lộng lẫy cho khu vực kinh doanh của mình sao cho thật bắt mắt. Thường thì nhà phố thương mại có tính chất bình dân, thậm chí là “cây nhà lá vườn” và đây là điều hoàn toàn chấp nhận được. Quan trọng là căn nhà phải có diện mạo tươm tất, sạch sẽ, tạo cảm giác đáng tin cậy. Để làm được điều này, hãy đầu tư cho hệ thống chiếu sáng, và cũng đừng ki bo mà lắp thêm máy quạt hay thậm chí là máy lạnh để khách hàng có được trải nghiệm tốt nhất. 

Và cũng đừng quên chăm chút cho bảng hiệu vì đây chính là thứ đập vào mắt người đi đường đầu tiên. Bạn có thể tuỳ ý sáng tạo sao cho bảng hiệu trông thật ấn tượng, nhưng những loại hình kinh doanh đặc thù như phòng khám, tiệm thuốc thì lại cần sự nghiêm túc, rõ ràng khi làm bảng hiệu. Hãy cân nhắc thật kĩ những thông tin bạn muốn đưa lên và đảm bảo là không có gì thừa thải hay thiếu hụt. Tên, loại hình kinh doanh, địa chỉ và những thông tin cần thiết như giờ mở cửa, ngày làm việc v.v… nên được ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, hình ảnh và kích thước của bảng hiệu cũng không nên gây phản cảm hoặc choáng mất nhà hàng xóm. Hãy chăm chút cho từng chi tiết nhỏ nhặt nhất, và bạn sẽ thấy việc kinh doanh sẽ thuận buồm xuôi gió.

Trên đây là những nhân tố cần được cân nhắc đầu tiên khi bạn quyết định xây nhà phố thương mại. Một khi đảm bảo được những điều trên, chúng tôi tin rằng bạn sẽ cảm thấy an tâm hơn với quyết định của mình. Chúc các bạn thành công!

Bạn sẽ xây căn nhà phố kết hợp kinh doanh luôn chứ?

Cần giúp đỡ với dự án nhà của bạn?
Liên lạc!

Những nội dung đặc sắc từ tạp chí của chúng tôi